Công nghệ DLNA và HDMI mở rộng thế giới giải trí
DLNA là một trong những từ được nhắc đến khá nhiều trong thông số của những sản phẩm điện thoại, máy tính, TV, máy ảnh… mới xuất xưởng. Tuy vậy, DLNA vẫn chưa được số đông người tiêu dùng hiểu và khai thác triệt để.
Công nghệ DLNA là gì?
Trước hết, DLNA là tên viết tắt của Digital Living Network Alliance (tạm dịch Liên minh Kết nối Đời sống Số), một tổ chức thương mại phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2003 với hơn 230 thành viên là các công ty thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau trên khắp thế giới, như điện tử tiêu dùng, điện thoại di động, máy tính cá nhân, cung cấp dịch vụ, ô tô và công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu chung của DLNA là đặt ra các tiêu chuẩn và nguyên tắc cho các thiết bị mạng gia đình và phương tiện giải trí, một khi chúng đạt chuẩn DLNA (DLNA Certified) thì dễ dàng chia sẻ nội dung video HD, nhạc, hình ảnh với nhau trong mạng nội bộ, bất kể thiết bị đó thuộc dòng nào hay của nhà sản xuất nào.
|
DLNA sẽ khiến không gian giải trí không còn vướng mớ dây nhợ lộn xộn. |
Chẳng hạn, bạn có một ổ đĩa lưu trữ qua mạng được gắn mác DLNA Certified thì không cần phải trải qua các bước cấu hình, thiết lập phức tạp nào mà vẫn có thể truyền dữ liệu để chơi trên tất cả các thiết bị cũng được chứng nhận DLNA Certified khác như TV, DVR, game console, điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, máy in và nhiều thiết bị khác nữa.
Đặc tính kỹ thuật có gì đặc biệt?
Thực chất, DLNA sử dụng giao thức Universal Plug and Play (UPnP) trong việc quản lý và điều khiển nguồn tài nguyên đa phương tiện. Theo đó, UPnP sẽ xác định rõ ràng những dạng thiết bị mà DLNA hỗ trợ cũng như phương thức để truy cập thư viện giải trí này qua mạng nội bộ như thế nào. Tất nhiên, những nguyên tắc của DLNA sẽ được áp dụng chặt chẽ trong định dạng dữ liệu, chuẩn mã hóa và độ phân giải mà thiết bị hỗ trợ.
Hiện tại, những dòng thiết bị đạt chứng nhận hợp chuẩn DLNA được tách ra thành 3 lớp sau:
|
Lớp thiết bị mạng gia đình (Home Network Devices) gồm những dạng thiết bị có khả năng chứa được nội dung gọi là Digital Media Server (DMS), sau đó truyền đến các thiết bị có thể chơi (Digital Media Player - DMP) hoặc giải mã (Digital Media Renderer - DMR). Chẳng hạn như máy tính, ổ đĩa lưu trữ trong mạng NAS. Ngoài ra, các thiết bị giải trí gia dụng, máy in, remote… có thể tìm, điều khiển và phát nội dung được lưu trên DMS cũng được xếp vào lớp này.
Lớp thiết bị di động cầm tay (Mobile Handheld Devices) gồm những thiết bị không dây có thể lưu được nội dung và có khả năng đưa chúng lên mạng nội bộ để những thiết bị khác chơi. Chẳng hạn như điện thoại thông minh, máy nghe nhạc hay máy tính bảng… Các thiết bị di động có chức năng đưa dữ liệu lên - tải dữ liệu xuống từ DMS cũng thuộc lớp này.
Lớp thiết bị cơ sở hạ tầng (Home Infrastructure Devices) gồm những thiết bị có chức năng làm cầu nối giữa thiết bị cầm tay trang bị kết nối không dây với mạng nội bộ, và những thiết bị có thể chuyển đổi giữa các định dạng nội dung cần thiết cho mạng gia đình và các thiết bị cầm tay di động.
UPnP (Universal Plug and Play) là tập hợp các giao thức giúp các thiết bị có thể giao tiếp liền mạch và đơn giản hóa việc chia sẻ các dữ liệu giải trí giữa các thiết bị với nhau. Nguyên tắc hoạt động của UPnP Server là khi được kết nối vào mạng sẽ tự động gửi thông báo (broadcast packet) cho các thiết bị khác trong mạng địa chỉ IP của mình. Đồng thời, UPnP Server cũng phát tín hiệu nó có thể hỗ trợ thiết bị nào, cung cấp dịch vụ nào, và các thiết bị nào là UPnP Client sẽ tự động nhận ra nó và bắt đầu sử dụng các dịch vụ. |
|
Bạn có thể xem thêm chi tiết của ba lớp thiết bị hợp chuẩn DLNA này tại địa chỉ: https://members.dlna.org/digital_living/devices/.
Có thể làm gì với DLNA?
Câu hỏi có lẽ được mọi người tiêu dùng quan tâm nhất là “Tôi có thể làm được gì với sản phẩm hỗ trợ DLNA?”. Và câu trả lời sẽ rất đơn giản: “Chia sẻ và giải trí qua mạng nội bộ đơn giản và hiệu quả hơn!”. Cụ thể hơn, DLNA sẽ giúp bạn:
Xem phim: Theo cách thông thường, bạn chuyển những đoạn phim mới ghi từ máy quay sang máy tính và bật chúng lên để cả gia đình cùng xem với chiếc TV màn hình lớn qua cổng HDMI tích hợp… Nhưng với những thiết bị hỗ trợ DLNA thì bạn có những trải nghiệm hoàn toàn khác. Hãy tạm thời dẹp những mớ dây nhợ lộn xộn đi, bạn vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn những thước phim mới quay được truyền từ thiết bị lưu trữ trong mạng nội bộ NAS (Network attached storage) đạt chuẩn DLNA sang chiếc TV cũng được gắn mác DLNA Certified với khoảng cách tương đối xa rất đơn giản. Bạn cũng có thể quay video từ ngoài sân vườn và truyền vào nhà ngay để mọi người thưởng thức.
Nghe nhạc: Tương tự với tính năng xem phim, bạn cũng có thể chơi nhạc từ mọi thiết bị hỗ trợ DLNA đến các thiết bị tương thích khác như hệ thống HI-FI mà không cần phải ghi ra đĩa và điều khiển theo cách truyền thống. DLNA cho phép người sử dụng nghe những bản nhạc yêu thích và chuyển chúng sang các thiết bị hỗ trợ DLNA khác mà không cần phải cắm cáp.
Xem trình diễn ảnh và in ấn: Hãy từ bỏ ý nghĩ bật Bluetooth và tốn thời gian để nhận từng file ảnh một để xem trên các thiết bị di động! Với các thiết bị đạt chuẩn DLNA, bạn có thể chia sẻ những bức ảnh chụp qua lại dễ dàng. Bạn cũng có thể lưu trữ chúng trên ổ lưu trữ mạng NAS và xem trình chiếu trên HDTV. Nếu muốn in một tấm ảnh, bạn chỉ việc dùng chiếc remote ra lệnh in cho chiếc máy in không dây hỗ trợ DLNA.
Tuy chỉ đơn giản là giải trí và chia sẻ không dây giữa các thiết bị điện tử gia dụng với nhau, nhưng DLNA đã và đang thực sự làm cuộc sống của chúng ta thêm tiện nghi và đơn giản hơn với những tiện ích mà nó mang lại.
Thiết bị chứng nhận DLNA trên thị trường?
Hiện tại, hơn 440 triệu sản phẩm được chứng nhận DLNA Certified đang được sử dụng trên toàn thế giới, trong đó phần lớn là TV, máy chơi game, máy ảnh và điện thoại di động. Nếu trong tháng 1/2011 có hơn 9.000 thiết bị được nhận chứng chỉ của DLNA thì theo một nghiên cứu mới đây con số này sẽ tăng lên đến 300 triệu trong năm 2012. Điều đó cho thấy công nghệ này đã và đang có mức độ phát triển nhanh và nhận được sự đón nhận khá nồng nhiệt của người dùng. Chắc chắn đường cong tăng trưởng này sẽ có độ dốc lên ngày càng cao trong những năm tới.
(Nguồn PCWORLD)
Trở về